Ấm no từ chuỗi liên kết

Phú Thịnh (Yên Sơn) đã xây dựng được chuỗi liên kết giữa trồng và chế biến gỗ, góp phần mang lại cuộc sống no ấm cho người dân. Tháng 4, khi cái rét Nàng Bân qua đi, nắng tỏa xuống những cánh rừng bung thêm những nhánh lộc. Ngẫm câu nói của bà con “rừng là vàng” thật đúng khi những chiếc xe tải lần ...

Từ lớp học giữa rừng

Đến tận bây giờ bà con người Dao thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh vẫn trân quý gọi đồng chí Bí thư Đoàn xã lúc bấy giờ, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Chung là “thầy Chung”. 

Thôn Nghẹt cách trung tâm xã 5 km, đường lên đấy gồ ghề đá dăm đá cuội. Anh Chung kiên trì ròng rã hơn 5 tháng trời lạch cạch chiếc xe đạp lên với bà con nơi đây dạy lớp xóa mù chữ. Năm 1995, khi đó thôn Nghẹt chưa có điện, anh cùng trưởng thôn bắc điện từ máy phát điện mini ở con suối về cho lớp học sáng hơn. Lớp học được mượn từ điểm trường tại thôn, đấy là lớp học đặc biệt, bởi học trò đều đã lớn lộc ngộc tuổi 19 đôi mươi. Lớp học từ 19 giờ, đến 21 giờ 30 phút hàng ngày.

Ông Phạm Ngọc Chung (phía sau), Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh thăm rừng keo mô của gia đình anh Lê Quang Khuýnh, thôn Húc.    

Giữa mênh mang những cánh rừng xanh thẫm người ta vẫn nghe thấy tiếng miết phấn đều đều lên bảng, tiếng đồng thanh đánh vần từng con chữ của cả thầy lẫn trò. Anh cầm tay từng người uốn từng con chữ cho 35 trò như những đứa trẻ lớp chập chững buổi học đầu tiên. Những dòng chữ đó thực sự là vốn liếng tri thức cho người dân thôn Nghẹt sau này.

Thời gian ở làng Nghẹt, anh Chung còn tuyên truyền bà con bỏ nếp buộc trâu dưới nhà sàn, rồi thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chuyện giữ rừng phòng hộ hơn 200 ha khiến bà con cảm phục làm theo. Lớp học kết thúc, các trò được cấp chứng chỉ, anh Chung về làm công tác Đoàn tại xã. Trải qua những cương vị từ Phó Bí Thường trực Đảng ủy xã nay lại là Phó Chủ tịch UBND xã, anh Chung vẫn nhớ những ký ức một thời ở làng Nghẹt, coi làng Nghẹt là quê hương thứ 2 của mình.

Từ được học con chữ, người làng Nghẹt biết trân quý rừng, nguyện giữ rừng xanh và gieo thêm những cánh rừng mới - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghẹt Lý Văn Dau bảo vậy. Những triền rừng xanh vững như tấm khiên khổng lồ che chắn cho dân làng, giữ nước cho bản làng. Sát chân những bìa rừng đó là lớp rừng trồng với hơn 200 ha, là kế sinh nhai của bà con bản địa. Cây gỗ lớn bán đi, giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cây sắn nên ai nấy đều tin theo chủ trương đúng đắn của tỉnh.

Những người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở thôn từ năm 2006 là ông Lý Văn Ngọc, với hơn 6 ha hay như ông Lý Văn Thông cũng có khoảng 8 ha rừng; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau cũng có hơn 6 ha rừng. Cuối năm 2018, ông Ngọc bán 1 khoảnh rừng thu về 200 triệu đồng; ông Dau bán đi 2 khoảnh cũng thu về 240 triệu đồng… Lần lượt như vậy, đời sống người dân thôn Nghẹt no ấm hơn trước nhiều. Ông Dau khoe, tuyến đường trục thôn nối với đường nhựa ra xã dài hơn 1,2 km, từ năm 2012 đến 2015 mỗi nhà gom góp lại cũng đã hoàn thành bê tông hóa, năm 2019 vừa rồi lại thêm 300 m đường nhánh cũng được bê tông hóa. Con đường chẳng còn khó như ngày thầy Chung về đây xóa mù chữ nữa rồi. Cũng bởi từ rừng mà bình quân thu nhập của thôn hiện đạt 2,2 triệu đồng/tháng đấy - Trưởng thôn Nghẹt Lý Văn Dau phấn khởi nói.

Rừng ở Phú Thịnh nhiều khoảnh đang trong thời điểm hơn 2 năm tuổi ở chu kỳ mới, màu xanh non vươn dài trên khắp các triền núi. Toàn xã có trên 95% hộ dân có đất rừng, với tổng diện tích trên 2.700 ha. Ở xã có hơn 424 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, rồi cả rừng keo mô cũng được trồng thử nghiệm 11,42 ha.

Đến liên kết ấm no

Cùng với việc mở rộng diện tích rừng trồng, cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện cho người dân xây dựng các xưởng chế biến gỗ. Đến nay, toàn xã có 9 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, bảo đảm thu mua gỗ tại chỗ cho người dân, không có cảnh thương lái các địa phương đến chèn ép giá như trước. 

Xưởng chế biến lâm sản của ông Nhữ Văn Tuất, thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương.    

Đi giữa mênh mang núi rừng, anh Lê Quang Khuýnh, thôn Húc kể chuyện lập nghiệp từ rừng những năm 90 của thế kỷ trước. Anh Khuýnh quê gốc Nam Định, lên Tuyên Quang cùng cha mẹ khai khẩn đất hoang. Khi bắt tay vào trồng rừng, gia đình anh gặp không ít khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã về kỹ thuật trồng rừng, anh thấy tự tin hơn và mạnh dạn mở mang đồi rừng.

Anh nhận thấy rằng, vấn đề chọn giống và chăm sóc cây sau khi trồng là yếu tố quyết định đến chất lượng gỗ. Bởi thế, anh đã sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt của các đơn vị cung ứng uy tín và trồng rừng đúng quy trình, kỹ thuật. Thế rồi, quyết làm giàu từ rừng, anh quy hoạch chân đồi thấp để trồng bí đỏ và chăn nuôi gà, vùng đồi có độ dốc cao đầu tư trồng rừng. 4 sào bí nương hàng năm đều đặn cho thu đến 4 tạ, thêm đàn gà vài trăm con thả vườn là nguồn nuôi đợi rừng lớn. Hơn 10 ha rừng này có cả gỗ keo, bồ đề, mỡ, những năm gần đây từng khoảnh rừng đến tuổi khai thác, mỗi năm trung bình cho thu từ 100 đến 200 triệu đồng.

Anh Khuýnh bảo, cái tiện của người làm rừng ở xã chẳng phải lo đầu ra bởi ở xã có các xưởng chế biến lâm sản, khi rừng nhà nào cập đến tuổi khai thác, các xe chở gỗ đến tận chân đồi để thu mua.

Năm 2019, toàn xã khai thác trên 95 ha rừng, đạt sản lượng trên 7.806 m3, đều được các xưởng gỗ ván bóc thu mua và sơ chế tiêu thụ xuất khẩu thị trường Trung Quốc và thị trường các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang, Hải Phòng... Gia đình chị Trần Thị Hòa, anh Hoàng Văn Thống tại thôn Trung Thành tạo việc làm cho 14 lao động làm việc tại xưởng với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Anh Thống cho biết, tùy theo đơn đặt hàng mà xưởng sản xuất các loại ván bóc từ loại A đến B. Loại A ván với giá khoảng 3 triệu đồng/khối, loại B khoảng 1 triệu đồng/khối.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Chung, từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại xã và các xã lân cận, các xưởng chế biến gỗ tại xã hoạt động liên tục, trung bình mỗi xưởng chế biến được 15 m3 ván/ngày, mỗi xưởng tạo việc làm từ 10 đến 15 lao động địa phương, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài xưởng của ông Thống, ở xã còn có ông Trần Thế Hanh, thôn Trung Thành hay ông Nhữ Văn Tuất, thôn Đát Trà... cũng thành công từ mô hình này.

Hàng tháng, mỗi xưởng đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 2 triệu đồng.  Sản phẩm gỗ bóc của các xưởng làm ra được các công ty ở các tỉnh về thu mua tận nơi, đóng container mang xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Làm gỗ bóc vừa cho thu nhập khá, đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương đang là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của xã. 

Từ rừng về xưởng là một chuỗi liên kết sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân Phú Thịnh. Vấn đề đặt ra lúc này với xã là vận động các hộ chế biến lâm sản nâng tầm quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, không phát triển ồ ạt các cơ sở ván bóc để tránh những rủi ro do tác động xấu từ thị trường nước ngoài, góp phần ổn định thị trường nguyên liệu của tỉnh, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân - Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Chung khẳng định.

Theo yenson.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục